Diễn biến Chiến_tranh_Việt_–_Chiêm_(1367_–_1396)

Giao tranh 1371

Trần Dụ Tông không có con nên khi chết có di chiếu truyền ngôi cho Dương Nhật Lễ làm người kế vị, một người không thuộc dòng dõi họ Trần, dẫn đến 2 cuộc đảo chính do các tông thất nhà Trần lãnh đạo.[35] Dương Nhật Lễ bị phế truất và xử tử vào năm sau khi hoàng tộc nhà Trần giành lại quyền lực. Hoàng tử Trần Phủ lên ngôi, cải niên hiệu là Thiệu Khánh, sử gọi là Trần Nghệ Tông. Sau khi Dương Nhật Lễ mất, mẹ ông sang Chiêm Thành cầu cứu vua Chế Bồng Nga sang đánh Đại Việt báo thù và báo cáo tình hình biên giới và sự suy yếu của nhà Trần.[36][37] Năm 1371, ông dẫn đầu một hạm đội, cùng với thủ hạ là La Khải, tiến ra Bắc. Hạm đội đi qua Vịnh Bắc Bộ, đánh vào cửa Đại An[note 4] và tấn công đồng bằng sông Hồng vào mùa xuân năm 1371. Quân Trần chống cự không nổi. Vua Trần Nghệ Tông phải đi thuyền qua sông chạy sang Đông Ngàn để tránh ở Cổ Pháp, làng Đình Bảng. Ngày 27 tháng 3, quân Chăm tiến vào kinh đô Thăng Long, cướp phá cung điện, bắt phụ nữ, lấy của cải ngọc lụa mang về.[38] Kinh thành bị cướp sạch trơn.[36] Quân Chiêm rút về nước. Trần Nghệ Tông trở lại kinh đô, cho xây dựng sửa sang lại, dùng người tông thất đứng ra làm chứ không dùng sức dân.[39]

Trận Đồ Bàn (1377)

Năm 1372, Trần Nghệ Tông nhường ngôi cho em là Trần Kính và lên làm Thái thượng hoàng. Trần Kính lên ngôi, tức là Trần Duệ Tông. Cùng năm đó, Chế Bồng Nga dâng biểu cho Minh Thái Tổ kể tội Đại Việt đem binh sang chiếm đất, yêu cầu Trung Quốc bảo vệ và cung cấp tiếp tế.[40][‡ 4] Tuy nhiên theo sử Việt, nhà Trần không hề động binh trong thời kỳ này và đây là một sự vu cáo của Chế Bồng Nga, chỉ cốt sao nhà Minh để yên cho người Chiêm Thành lộng hành. Minh Thái Tổ sau đó đã xuống chiếu bắt hai nước không được gây sự chiến tranh.[41][‡ 5]

Để trả thù việc Chiêm Thành đánh cướp kinh thành, Trần Duệ Tông ra sức xây dựng quân đội. Tháng 8 năm 1374, ông cho dân đinh xung vào quân ngũ: hạng nhất xung vào Lan Đô, rồi đến hạng nhì, hạng ba. Năm 1375, nhà vua xuống chiếu chọn các quan viên, người nào có tài năng, luyện tập nghề võ, thông hiểu thao lược, thì không cứ là tông thất đều làm tướng coi quân, đồng thời cho ra khỏi quân ngũ những người lính già cả, ốm yếu, bệnh tật.[‡ 6]

Tháng 6 năm 1376, Chế Bồng Nga mở cuộc tấn công vào Hoá Châu. Trần Duệ Tông sai Đỗ Tử Bình dẫn quân đi đánh. Chế Bồng Nga sai người sang xin dâng 10 mâm vàng xin giảng hòa. Tuy nhiên, Tử Bình giấu vàng đi và tâu về triều rằng vua Chiêm kiêu ngạo không thần phục.[42][43][44] Trần Duệ Tông nổi giận, cầm 120.000 quân đánh Chiêm Thành.[‡ 7] Ông sai Lê Quý Ly vận chuyển quân nhu, trong khi Đỗ Tử Bình chỉ huy quân đội. Đầu năm 1377, Chiêm Thành ban đầu cố gắng đàm phán, nhưng không thành công. Quân Đại Việt tiến vào cửa Thi Nại (Quy Nhơn), đánh lấy đồn Thạch Kiều rồi tiến tới kinh thành Đồ Bàn. Chế Bồng Nga lập đồn giữ ngoài thành, rồi cho người đến trá hàng, nói với Trần Duệ Tông rằng Chế Bồng Nga đã bỏ thành trốn.[39] Trần Duệ Tông muốn tiến quân vào thành ngay, đại tướng Đỗ Lễ can ngăn mãi nhưng vua Trần không nghe, nói với quân sĩ rằng:

"Ta mình mặc giáp, tay cầm gươm, dãi gió dầm mưa, lội sông, trèo núi, vào sâu trong đất giặc, không một người nào dám chống lại đó là trời giúp. Huống chi nay vua giặc nghe tiếng bỏ trốn, không có lòng đánh lại. Cổ nhân nói "Dụng binh quý ở nhanh chóng". Nay lại dùng dằng không tiến nhanh, thế là trời cho mà không lấy, để nó lại có mưu khác, thì hối không kịp?"[‡ 8]

Nói xong, Trần Duệ Tông lấy áo đàn bà cho Lễ mặc rồi thúc quân tiến vào thành, quân lính bèn nối gót nhau mà đi như xâu cá, cánh trước cánh sau cách biệt. Quân Chiêm tứ phía phục binh đổ ra đánh, chia cắt quân Trần ra từng đoạn. Quân Đại Việt thua to, mười phần chết đến bảy phần.[45] Duệ Tông bị hãm trong vòng vây, bị trúng tên tử trận.[46] 3 vị tướng Đỗ Lễ, Nguyễn Lạp Hòa, Hành khiển Phạm Huyền Linh cũng tử trận.[47][48][49] Ngự Câu vương Trần Húc bị bắt đã đầu hàng Chế Bồng Nga, được gả con gái. Đỗ Tử Bình lúc đó lĩnh hậu quân không tới cứu giá. Lê Quý Ly bấy giờ đang đốc thúc quân tải lương, được tin vua tử trận, sợ hãi, bỏ chạy về trước.[‡ 9] Tuy nhiên khi về kinh, Quý Ly không hề bị thượng hoàng Trần Nghệ Tông trách cứ, còn Tử Bình chỉ bị đồ làm lính 1 năm, sau đó lại được cất nhắc lên chức vụ cao hơn trước. Trần Nghệ Tông thấy Trần Duệ Tông tử trận, nên chiêu hồn chôn ở Hy Lăng và cho lập con trưởng là Kiến Đức Đại vương Trần Hiện 17 tuổi lên làm vua, tức là Trần Phế Đế, tôn hiệu Giản Hoàng.[‡ 10]

Thất bại tại Đồ Bàn có thể xem là thất bại lớn nhất của quân Trần trong các cuộc giao tranh với quân Chiêm và là một trong những thất bại lớn nhất lịch sử quân sự của các triều đại phong kiến Việt Nam. Trong trận đánh này, hoàng đế Trần Duệ Tông tử trận và cũng là vị hoàng đế Việt Nam duy nhất tử trận. Cái chết của Trần Duệ Tông là bước ngoặt lớn đối với nhà Trần thời hậu kỳ. Thượng hoàng Trần Nghệ Tông nhu nhược, vốn hoàn toàn dựa vào ông và sau khi ông mất lại hoàn toàn dựa vào Lê Quý Ly khiến cơ nghiệp nhà Trần suy sụp.

Chế Bồng Nga tiến ra bắc

Năm 1378

Chế Bồng Nga thừa thế thắng, đem quân đánh đuổi đến tận Thanh Nghệ, đánh tan quân nhà Trần. Đầu tháng 6 năm 1377, vua Chiêm lại theo đường biển tiến đánh Đại Việt. Thượng hoàng sai Trấn quốc tướng quân Sư Hiền ra giữ biển Đại An. Chế Bồng Nga thấy Đại An có phòng bị, bèn tiến vào cửa Thần Phù rồi cướp phá kinh thành Thăng Long. Đến khi ra khơi quay về nhà, chiến thuyền của Chiêm Thành bị bão đắm mất nhiều.[‡ 11] Tháng 5 năm 1378, Chế Bồng Nga đưa Trần Húc về Nghệ An phong làm trấn thủ và tiếm xưng vương hiệu, chiêu dụ dân chúng.[‡ 12][50] Tháng 6, ông và Chế Bồng Nga tập hợp dân chúng từ các vùng phía Nam dưới sự chiếm đóng của người Chăm, cùng với lực lượng của người Chăm, đánh ra bắc, tiến vào cửa Đại Hoàng. Thượng hoàng Trần Nghệ Tông phục chức cho Đỗ Tử Bình, sai ra chống giữ. Tử Bình đánh không lại, quân bị tan vỡ. Chế Bồng Nga tiến vào Thăng Long lần thứ 3, bắt người cướp của rồi rút về.[‡ 13][43] Vua Trần chỉ còn nước đem các vàng bạc châu báu giấu trong núi Thiên Kiến và động Khả Lăng.[46][51]

Năm 1380

Lãnh thổ nằm dưới quyền kiểm soát của Chế Bồng Nga năm 1380

Năm 1380, Chế Bồng Nga lại một lần nữa đem quân bắc phạt, ông cho tuyển binh ngay tại vùng Tân Bình và Thuận Hóa, rồi sau đó đã đánh chiếm Nghệ An vào tháng 3, chiếm Thanh Hóa vào tháng 4. Thượng hoàng Trần Nghệ Tông sai Lê Quý Ly, Đỗ Tử Bình đem quân đón đánh quân Chiêm khiến Chế Bồng Nga phải rút quân về Quảng Bình, trong khi lực lượng của nhà Trần giành lại quyền quyển soát Nghệ An.[43][‡ 14] Tuy Chế Bồng Nga bị thua nhưng ở thời kỳ này các châu Nghệ An, Thuận Hóa, Tân Bình vẫn thuộc về người Chăm, còn quan quân nhà Trần thì sợ người Chiêm, đến bài vị, thần tượng của các bậc tiên vương ở các lăng Quắc Hương, Thái Đường, Long Hưng, Kiến Xương cũng phải đem giấu đi vì sợ bị phá.

Năm 1382

Tháng 2 năm 1382, quân Chiêm lại tiến đánh Thanh Hóa bằng cả đường bộ và đường biển. Lê Quý Ly đóng đồn ở núi Long Đại ở Thanh Hóa (tức núi Hàm Rồng), Nguyễn Đa Phương đóng cọc giữ cửa biển Thần Đầu.[‡ 15] Khi thủy quân Chiêm lại gần, Đa Phương không đợi lệnh Quý Ly, cho mở cọc cắm cừ, tiến ra giao chiến. Quân Chiêm trở tay không kịp, quân Đại Việt dùng hỏa khí ném vào làm thuyền Chiêm bị cháy đắm gần hết. Quân Chiêm thua to, phải bỏ chạy vào rừng núi. Quân Việt vây núi ba ngày, quân Chiêm nhiều người bị chết đói. Thủy quân Chiêm còn lại bỏ chạy về nước.[43][‡ 16] Quân Việt đuổi theo đánh đến Nghệ An. Sau đó Nguyễn Đa Phương được thăng làm Kim Ngô vệ Đại tướng quân.[‡ 17] Tháng 1 năm 1383, Trần Nghệ Tông ra lệnh cho Lê Quý Ly đem quân Nam tiến, nhưng vào đến Lại Bộ Nương Loan (ở huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh ngày nay) nhưng gặp phải bão đánh nát mất nhiều thuyền chiến, vì vậy lại phải rút quân về.[‡ 18][52]

Năm 1383

Mùa hè năm 1383, Chế Bồng Nga lại đích thân dẫn quân Bắc phạt. Được sự cố vấn của tướng Lã Khai, lần này ông chọn con đường phía tây qua vùng núi phía đông Lào và Thanh Hoá, tránh quân của Lê Quý Ly. Khi quân Chăm đến đất Quảng Oai (nay thuộc Ba Vì, Hà Nội), Trần Nghệ Tông sai tướng Mật Ôn đem quân đi chống giữ, nhưng bị quân Chiêm bắt.[‡ 19] Trần Nghệ Tông sợ hãi, chạy khỏi Thăng Long. Nguyễn Đa Phương ngày đêm đốc suất quân sĩ dựng rào chắn bảo vệ kinh thành. Chế Bồng Nga một lần nữa cướp phá kinh đô của Đại Việt, chiếm đóng trong sáu tháng trước khi dẫn quân về.[53][54][55]

Chế Bồng Nga trước đó đã tiến cống hậu hĩ hàng năm cho nhà Minh,[56] nên vua Minh làm ngơ, không can thiệp. Năm 1384, nhà Minh đánh vùng Vân Nam, sai người sang Đại Việt đòi lương thực cấp cho quân lính ở Lâm An. Nhà Trần đồng ý cấp lương thực, các quan sai đi nhiều người nhiễm bệnh mà chết. Đến năm 1386, Minh Thái Tổ hạ chiếu viết thư cho Trần Nghệ Tông cho hay sắp đem quân bình định Chiêm Thành và ra lệnh cho Đại Việt sửa soạn 100 thớt voi cùng các trạm lương thực suốt từ Vân Nam tới Nghệ An.[‡ 20][57] Nhà Trần không lấy gì làm phấn khởi trước đề nghị này, lại sợ quân Minh có ý đồ xâm chiếm nước ta nên vội vàng thoái thác. Cùng năm đó, vua Minh cho sứ giả đưa con trai Chế Bồng Nga sau khi ông này sang tiến cống 54 thớt voi về nước. Năm sau người Chăm lại đem cống 51 con voi, trầm hương và sừng tê và được tiếp đãi rất trọng thể.[58]

Trận Hải Triều (1390)

Tháng 10 năm 1389, Chế Bồng Nga lại đánh lên Thanh Hóa, tiến vào hương Cổ Vô. Trần Nghệ Tông lại sai Lê Quý Ly dẫn quân chống cự. Quân Chiêm đắp ngăn sông Bản Nha ở thượng lưu, quân Đại Việt đóng cọc dày đặc đối địch, giữ nhau 20 ngày. Quân Chiêm đặt sẵn quân và voi, giả vờ bỏ doanh trại rút về.[‡ 21] Lê Quý Ly mắc mưu đem quân truy kích không ngờ bị trúng kế.[59] Thủy quân Đại Việt nhổ cọc ra đánh, Chế Bồng Nga hạ lệnh cho phá đập nước, cho voi trận xông ra đánh. Quân tinh nhuệ đã đi xa, quân thủy bị ngược dòng không tiến lên được. Kết quả quân Đại Việt bị thiệt hại nặng nề, tướng chỉ huy quân Hữu Thánh Dực là Nguyễn Chí bị bắt sống, nhiều tướng chết trận. Quý Ly để tỳ tướng Phạm Khả Vĩnh và Nguyễn Đa Phương ở lại cầm cự với giặc, còn mình thì trốn về Thăng Long xin thêm chiến thuyền để chống cự. Trần Nghệ Tông không cho, vì thế ông giao trả binh quyền, không đi đánh nữa. Nguyễn Đa Phương và Phạm Khả Vĩnh biết thế yếu không chống cự nổi cũng rút quân về. Quân Chiêm không dám đuổi theo. Quân Đại Việt rút lui trọn vẹn không bị tổn thất. Trở về kinh thành, Nguyễn Đa Phương cậy công lớn có ý lên mặt, công khai chê Quý Ly là bất tài. Quý Ly căm tức, nói với Trần Nghệ Tông rằng trận thua này là do nghe lời Đa Phương. Trần Nghệ Tông nghe vậy bèn cách chức Đa Phương. Quý Ly lại bảo Trần Nghệ Tông nên giết Phương vì sợ Phương đi hàng Chiêm, do đó thượng hoàng bèn ép Phương tự vẫn.[‡ 22]

Tháng 11 năm 1389, Trần Nghệ Tông sai Trần Khát Chân lúc đó đang nắm quân Long Tiệp đi chống quân Chiêm.[‡ 23] Trần Khát Chân kéo quân đến Hoàng giang (khúc sông HồngHà Nam), thấy nơi đây không thể bố trận, mới đem quân đóng ở sông Hải Triều.[note 5][‡ 24][60] Trần Nguyên Diệu, em ruột của vua Trần Phế Đế, vì muốn báo thù mà đầu hàng giặc.[‡ 25][60]

Bấy giờ, quân nổi loạn khắp nơi, Nguyễn Thanh làm loạn ở Lương Giang, Phạm Sư ÔnQuốc Oai nổi dậy đánh chiếm kinh đô, thượng hoàng và vua phải bỏ kinh đô mà chạy, cho triệu tướng Hoàng Thế Phương đang đóng ở Hoàng Giang ra cứu.[‡ 26][61][60]

Đầu năm 1390, Chế Bồng Nga cùng Trần Nguyên Diệu mang hơn 100 chiến thuyền đến Hải Triều đối đầu với Trần Khát Chân.[‡ 27] Không may cho Chế Bồng Nga, một tiểu tướng của ông tên là Ba Lậu Kê (có nơi ghi Bỉ Lậu Kê) bị tội với Chế Bồng Nga, sợ bị giết, bèn chạy trốn sang phía quân Trần, đầu hàng Trần Khát Chân.[62] Ba Lậu Kê chỉ cho Khát Chân biết chiếc thuyền nào là chiến thuyền của Chế Bồng Nga. Khi mấy trăm chiến thuyền của Chế Bồng Nga và Nguyên Diệu kéo tới, Khát Chân cho tập trung súng bắn xối xả vào chiếc thuyền ngự, Chế Bồng Nga bị trúng đạn chết.[63][1] Người trong thuyền kêu khóc ầm ĩ. Trần Nguyên Diệu thấy vua Chiêm chết, liền chặt thủ cấp vua Chiêm rồi chèo thuyền trở về bên quân Trần.[64] Hai tướng Đại Việt là Phạm Nhữ Lặc và Dương Ngang giết chết Nguyên Diệu, cướp lấy thủ cấp của Chế Bồng Nga nộp cho Trần Khát Chân.[65][66][‡ 28] Quân Chiêm thấy chủ tướng đã tử trận vội vàng chạy về Hoàng giang hợp với phó tướng của Chế Bồng Nga là La Khải. La Ngai thu thập tàn quân, hỏa táng xác Chế Bồng Nga, rồi men theo chân núi rút về Đồ Bàn. Quân Trần đuổi theo đánh, La Ngai dừng voi lại, tung ra nhiều tiền của để nhân lúc quân Trần mải nhặt đồ mà chạy thoát.[‡ 29]

Trần Khát Chân sai Lê Khắc Khiêm bỏ đầu vua Chiêm vào hòm, cho phi ngựa đem đến hành tại[note 6] ở Bình Than, tâu việc đánh được giặc.[‡ 30] Sử kể rằng khi đầu Chế Bồng Nga được phó tướng Phạm Như Lạt đem vào trình giữa canh ba, thượng hoàng Trần Nghệ Tông hoảng hốt nhỏm dậy tưởng mình đã bị vây bắt. Đến khi nghe được tin thắng trận, Nghệ Tông liền cho gọi các quan đến để xem cho kĩ. Các quan mặc triều phục, đến và hô "vạn tuế!". Thượng hoàng nói: Ta với Bồng Nga cầm cự nhau đã lâu, ngày nay mới được gặp nhau, có khác gì Hán Cao Tổ thấy đầu Sở Bá Vương, thiên hạ yên rồi![60][‡ 31]

Xung đột sau cái chết của Chế Bồng Nga

Sang năm 1391, Lê Quý Ly và Hoàng Phụng Thế lại mang quân đến Hóa châu, tuần tiễu biên giới Chiêm Thành. Quân Chiêm đặt phục binh đánh tan quân Trần. Phụng Thế bị bắt, sau trốn được về. Lê Quý Ly sai chém 30 viên đại đội phó dưới quyền của Phụng Thế.[‡ 32]

Năm 1396, Quý Ly sai Trần Tùng đi đánh Chiêm Thành, giành được thắng lợi nhỏ, bắt được tướng Chiêm là Bố Đông và lui binh.[‡ 33]